Việc đánh bắt thủy sản bằng xung điện là hành vi hủy diệt môi trường và thủy hải sản đã bị pháp luật ngăn cấm. Đây là hoạt động nguy hại, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên, đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, đồng thời còn gây ra nguy hiểm cho người sử dụng và những người khác.
Bộ dụng cụ kích điện đánh bắt cá Công an xã Hòa Tịnh, huyện Mang Thít thu giữ
Hiện nay, mặc dù các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, giáo dục việc sử dụng xung điện để khai thác thủy sản là hành vi vi phạm pháp luật, tuy nhiên, tình trạng trên vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, nhất là vùng nông thôn. Tình trạng người dân dùng xung điện đánh bắt thủy sản hiện nay vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, nguồn lợi thủy sản ở các sông ngòi, ao hồ, đồng ruộng, … bị đe dọa nghiêm trọng; số lượng cá, tôm, sinh vật có ích ngày càng giảm. Đây là cách đánh bắt tận diệt, có tác hại lâu dài, khiến nguồn lợi thủy sản không thể tái tạo, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đa dạng sinh học… Nguy hiểm hơn, đánh bắt thủy sản bằng xung điện có thể gây hậu quả chết người. Để đấu tranh hiệu quả với hành vi này, thời gian qua lực lượng Công an tăng cường tuần tra, kiểm soát, qua đó kịp thời phát hiện, nhắc nhở và xử lý các trường hợp sử dụng kích điện để khai thác thủy sản. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng Công an phát hiện và bắt nhiều vụ với nhiều đối tượng dùng xung điện đánh bắt thủy sản, thu giữ 25 bộ kích điện, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 04 trường hợp với tổng số tiền 13 triệu động. Bên cạnh việc tăng cường biện pháp răn đe, chế tài bằng pháp luật, thì lực lượng chức năng và chính quyền địa phương còn tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm giúp người dân nắm và hiểu rõ những quy định của pháp luật, góp phần bảo tồn và khai thác có hiệu quả nguồn lợi thủy sản. Tình hình người dân khai thác, đánh bắt thủy sản dùng làm kế sinh nhai trên địa bàn Huyện Mang Thít còn diễn ra phổ biến. Tuy nhiên, còn có một số người dân sử dụng kích điện để khai thác thủy sản. Trước tình hình đó, Công an thị trấn Cái Nhum phối hợp tổ chức tuần tra, kiểm soát và tăng cường tổ chức tuyên truyền trực tiếp, tuyên truyền lưu động đến từng người dân trên địa bàn, qua công tác tuyên truyền thì nhận thức của người dân đối với việc khai thác thủy sản đúng theo quy định của pháp luật được nâng cao. Điển hình như trường hợp của Anh Huỳnh Minh Đạo, ngụ khóm 6, thị trấn Cái Nhum, vì hoàn cảnh khó khăn và thiếu hiểu biết, anh tìm đặt mua một cái xiệt điện qua mạng để về nhà đánh bắt cá, nhưng được các anh Công an nhắc nhở việc làm của anh là vi phạm pháp luật và hủy diệt nguồn thủy sản. Sau khi được nhắc nhỡ, giáo dục anh Đạo nhận thấy việc làm của mình vi phạm phám luật và nguy hiểm nên anh tự giác giao nộp và cam kết không dùng xiệt để đánh bắt cá.
Có thể thấy việc khai thác thủy sản đến mức tận diệt bằng xung điện đã và đang ảnh hưởng đến sinh kế truyền thống của rất nhiều gia đình do nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm. Việc tuyên truyền, nhắc nhở là một trong những giải pháp tất yếu, vì vậy để góp phần hạn chế tình trạng tận diệt nguồn lợi thủy sản thì lực lượng Công an đã phối hợp chính quyền địa phương vận động người dân tự nguyện giao nộp nhiều công cụ bị cấm sử dụng trong đánh bắt thủy sản, tiến hành tiêu hủy theo quy định của pháp luật; đồng thời thường xuyên tổ chức hoạt động thả cá giống ra môi trường tự nhiên để tái tạo nguồn lợi thủy sản. Khi sử dụng những ngư cụ trái phép như vậy là vi phạm pháp luật tại vì nó mang tính hủy diệt các loại thủy sản trên dòng sông, khi sử dụng những loại ngư cụ đó thì phát ra dòng điện thì tất cả những loài thủy sản xung quanh khu vực đó đều bị tiêu diệt, khi thác thủy sản kiểu tận diệt như vậy thì sẽ làm ảnh hưởng tới sự phát triển của các loài thủy sản, thủy đặc sản, đây là một hành vi cấm trong quy định của pháp luật. Theo Điều 28, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản thì hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng công cụ kích điện công cụ kích điện để khai thác thủy sản bị xử phạt từ 3 triệu đến 50 triệu đồng và bị tịch thu công cụ kích điện. Mặt khác, nếu người có hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100.000.000 đồng trở lên, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, làm chết người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 242 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) với mức phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù từ 6 tháng đến 10 năm, tùy tính chất, mức độ vi phạm.
Trước thực trạng nêu trên, bên cạnh việc tăng cường biện pháp răn đe, chế tài bằng pháp luật, thiết nghĩ các cấp, các ngành và chính quyền các địa phương cần quan tâm đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, vận động, giáo dục về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời tăng cường các biện pháp xử lý nghiêm những hành vi vi phạm và mong rằng bà con mình đừng vì những lợi ích trước mắt mà sử dụng xung điện để đánh bắt thủy sản, đây là hành vi vi phạm pháp luật, chúng ta nên khai thác thủy sản theo đúng quy định. Có như vậy thì môi trường nước tự nhiên mới được bảo vệ, nguồn lợi thủy sản địa phương mới được bảo tồn và khai thác hiệu quả. Vì sự phát triển bền vững, mọi người, mọi nhà hãy cùng chung sức tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.