Đô thị hóa nhanh, bên cạnh mang lại sự phát triển mạnh mẽ cho tỉnh Vĩnh Long, nhưng đã và đang gây ra nhiều hậu quả về môi trường và xã hội. Vai trò cây xanh đô thị sẽ cung cấp cho người dân các lợi ích về môi trường và vật chất hết sức quan trọng.
Hàng bằng lăng bên đường Nguyễn Huệ (Phường 2, TP Vĩnh Long) khoe sắc tím làm đường phố đẹp thêm
Lợi ích của cây xanh đô thị
Theo Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 (Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam), cây xanh đô thị là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp. Đây là việc trồng, bảo vệ, chăm sóc và quản lý cây xanh trong đô thị nhằm bảo vệ các lợi ích về môi trường, kinh tế, xã hội cho lợi ích dân cư đô thị. Hoạt động của lâm nghiệp đô thị bao gồm trồng cây xanh dọc theo các đường bộ, cây xanh nơi các bùng binh và các vành đai xanh, cây xanh trồng xen trong các công viên, thảo cầm viên, khu sản xuất, khu vườn nhà…
Về lợi ích môi trường, sự đa dạng và phong phú về hình dáng, tán lá, màu sắc, chiều cao, hình thái hoa...cây xanh có thể làm tăng môi trường sống bằng cách giảm sự chói chang của ánh sáng, giúp lọc bớt các chất ô nhiễm như tro, khối, bụi làm không khí mát dịu hơn, trong lành hơn. Bên cạnh đó, cây xanh nhiều cũng giúp giảm tiếng ồn. Lá cây có khả năng lưu giữ mưa, giảm nước chảy, hấp thụ hoặc chia cắt sóng âm, giảm tốc độ và cường độ của sóng âm, và đặc biệt cây xanh thải ra lượng dưỡng khí oxy O2 dồi dào đồng thời hấp thụ đáng kể khí cac-bon-nic CO2 làm giảm phát thải khí nhà kính, giảm nóng lên của bầu khí quyển, cải thiện tiểu khí hậu nơi có cây xanh và góp phần làm giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Theo quan niệm trước đây, trồng cây xanh là không vì mục đích kinh tế. Nhưng ngày nay, cây xanh đô thị đã đóng một vài trò quan trọng không những về thẩm mỹ, môi trường... mà còn về kinh tế. Cây xanh cũng đem lại một nguồn cung cấp chất đốt dồi dào. Phần lớn dân nghèo sống ven đô dùng cành nhánh nhỏ làm chất đốt. Các hộ sản xuất nhỏ, thủ công của nghề truyền thống ở khu ven đô thị vẫn còn sử dụng củi.
Ngày nay, cây xanh trở thành một yếu tố không thể thiếu trong các công trình kiến trúc, làm tăng giá trị bất động sản và là niềm tự hào của người dân đô thị. Cùng với đó, cây xanh còn là môi trường sống của các loài động vật hoang dã, góp phần làm đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái ở khu vực đô thị.
Phát triển cây xanh đô thị ở Vĩnh Long
Là địa phương có nhiều cây trồng, hệ thống sông, rạch chằng chịt, không khí mát mẻ nhưng tỉnh Vĩnh Long rất chú trọng phát triển hệ thống cây xanh đô thị. Linh hoạt lồng ghép vào thực hiện nhiệm vụ trong các đồ án quy hoạch chung, chương trình, kế hoạch dài hạn phát triển các đô thị, những năm qua, chính quyền và ngành chức năng của tỉnh đã có nhiều nỗ lực gìn giữ, tôn tạo và trồng mới nhiều mảng xanh ở các điểm di tích lịch sử, văn hóa, khu dân cư, khu sản xuất, các tuyến đường, công viên thành phố…Cây xanh từng bước tăng dần cả về số lượng, chất lượng, chủng loại cây xanh ngày càng phong phú và phù hợp với phát triển đô thị.
Ở thành phố Vĩnh Long, đô thị loại II và là đô thị lớn nhất của tỉnh, bên cạnh những hàng cây cao, cổ kính như cây sao ở Văn Thánh Miếu, ở hai bên đường Lê Thái Tổ, đường Trần Phú, ở khu Bảo tàng tỉnh...được bảo tồn, tôn tạo. Thành phố này còn trồng mới thêm nhiều cây xanh có giá trị ở các công viên (công viên phường 9, công viên Đài phát thành-truyền hình Vĩnh Long…); ở các tuyến đường như: hàng cây sộp trên đường Phạm Thái Bường (phường 4), hàng bằng lăng tím bên đường Nguyễn Huệ (phường 2), hàng sao trên đường Trần Đại Nghĩa (phường 3), hàng cây bàng Đài Loan trên đường Phạm Hùng (phường 9)…; ở các khuôn viên trụ sở cơ quan, doanh nghiệp. Song song đó, ở những khu vườn, khu đất trống đan xen với những khu nhà, người dân vẫn trồng nhiều cây lâu năm, cây xanh có tầm cao, như dừa, xoài, bạch đàn, sao, dầu…để lấy củi, lấy trái hoặc che bóng mát. Mảng xanh đô thị kết hợp với công trình cao tầng ngày càng mọc nhiều lên nên phần nào tạo cho thành phố Vĩnh Long có nét hiện đại đan xen với nét cổ kính và sạch sẽ hơn.
Trong Chương trình phát triển đô thị thành phố Vĩnh Long đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Long đã xác định mục tiêu phát triển thành phố này hướng đến “Thành phố xanh ven sông-Thành phố giao lưu, hiện đại”, về cây xanh phấn đấu chỉ tiêu đất cây xanh toàn đô thị đạt 9m2/người (vào năm 2025) và 11m2/người (2030), trong đó đất cây xanh khu vực nội thành từ 6-7m2/người.
Ngày 9/11/2021, UBND tỉnh đã thông qua kế hoạch triển khai trồng 500.000 cây xanh phân tán tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí thực hiện khoảng 78 tỷ đồng. Kế hoạch nhằm thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam và Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 1/4/2021. Theo đó, khu vực đô thị sẽ trồng 55.000 cây ở 6 thị trấn, thị xã Bình Minh và thành phố Vĩnh Long, số còn lại 445.000 cây trồng ở khu vực nông thôn.
Triển khai thực hiện kế hoạch này, tuy chưa có số liệu thống kê về số lượng cây xanh đã được trồng ở các đô thị trong tỉnh, nhưng theo Sở Nông nghiệp-PTNT, năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã có 111.090 cây xanh được trồng, trong đó có 106.290 cây do các cơ quan, ban ngành đoàn thể, nhân dân trong tỉnh tự đầu tư trồng. Bên cạnh hiệu quả về môi trường, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp kết hợp phòng, chống sạt lở bờ sông, ứng phó với biến đổi khí hậu mang lại, phát triển cây xanh trong thời gian qua còn mang lại hiệu quả kinh tế một phần cho tỉnh.
Theo Chi cục kiểm lâm và Quản lý chất lượng nông-lâm-thủy sản (thuộc Sở Nông nghiệp-PTNT), trong quí I/2022, sản lượng khai thác gỗ cả tỉnh đạt 2.418,9 mét khối, sản lượng khai thác củi đạt 67.548,5 ste (đơn vị đo khối gỗ bao gồm tổng số lượng gỗ, phần không khí, phần vỏ). Tuy nhiên, phát triển cây xanh tại các đô thị ở tỉnh những năm qua chỉ góp phần bảo vệ môi trường, mỹ quan, chỉnh trang đô thị, còn lợi ích về kinh tế thì chưa đạt yêu cầu theo mục tiêu của phát triển lâm nghiệp đô thị. Sản lượng khai thác gỗ và củi không lớn, hiệu quả kinh tế từ cây lâm nghiệp thấp.
Để có định hướng tốt hơn, bền vững hơn trong phát triển cây xanh, phát triển lâm nghiệp ở các đô thị, tỉnh cần nghiên cứu thực hiện quy hoạch tổng thể hệ thống cây xanh dài hạn hơn (đến năm 2030 hay 2050) như các tỉnh, thành lân cận đã làm, cụ thể là thành phố Cần Thơ. Trong đó, cần xác định cụ thể chỉ tiêu quy hoạch cây xanh (mật độ, chủng loại cây xanh…) trồng mới hoặc để lại ở khu vực nội, ngoài thành, ở các khu quy hoạch xây dựng chức năng (đường, khu dân cư, công nghiệp, bệnh viện…) phù hợp với đà phát triển trong tương lai của các đô thị trong tỉnh.